Văn bản và bản dịch Ô Châu cận lục

Tác phẩm Ô Châu cận lục ra đời cách nay đã hơn 450 năm. Về mặt văn bản, hiện còn thấy sáu bản chép tay:

-Bản ký hiệu A. 263 của thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm.-Bản ký hiệu A. 96 của thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm.-Bản ký hiệu Hv. 192 của thư viện Viện Sử học.-Bản ký hiệu Hv. 206 của thư viện Viện Sử học.- Bản ký hiệu Hv. 394/1-2 của thư viện Viện Sử học.-Bản ký hiệu Hv. 183 của thư viện Viện Sử học [6].

Trong cả sáu văn bản nêu trên, không có văn bản nào trọn vẹn. Qua đối chiếu, nhóm dịch sách (bản dịch đã được nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1997) nhận thấy bản ký hiệu A. 263 là bản còn tương đối đầy đủ hơn cả. Văn bản có 121 tờ, khổ 21 x 31, 5 cm, nguyên là đóng gộp bởi hai tập mang ký hiệu A. 263/ 1 (từ tờ 2 đến tờ 81) và A. 263/ 2 (từ tờ 82 đến tờ 121). Đây là bản sao chép tương đối cẩn thận, chữ viết chân phương; và quan trọng nhất là phần được gọi là Ô Châu cận lục khảo chính biên của Ký lục Nguyễn Hàm Chuẩn, đề ngày 18 tháng 9 năm Canh Tuất (tức ngày 20 tháng 10 năm 1910), dưới triều vua Duy Tân. Ông Chuẩn cho biết văn bản này là kết quả khảo chính từ hai văn bản Ô Châu cận lục khác nhau. Một bản gọi là Đại bản được tàng trữ tại trường Viễn Đông Bác cổ, và một bản gọi là Tiểu bản do linh mục Cadière gửi tặng.

Năm 1961, sách Ô Châu cận lục đã được Bùi Lương phiên dịch, nhà xuất bản Á Châu ấn hành.

Năm 1997, bản dịch của bản A. 263 vừa kể đã được nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành (năm 2012, bản dịch này lại được đưa vào tập 3 của bộ Tổng tập dư địa chí Việt Nam gồm 4 tập, do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành).

Ngoài ra, sách Ô Châu cận lục cũng đã được nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần dịch và hiệu đính, và đã được nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 2009.